Các Biểu Hiện Trẻ Trầm Cảm Bố Mẹ Không Nên Bỏ Qua
Xã hội ngày càng phát triển nhưng con người lại cảm thấy cô đơn và lạc lõng, đôi khi không được thấu hiểu. Nhất là thế hệ trẻ, ngoài nhóm trẻ năng động thì có trẻ cảm thấy không hòa nhập kịp xu hướng, chọn khép kín và lâu dần trở nên trầm cảm bởi vô vàn áp lực. Các biểu hiện trẻ trầm cảm mà bố mẹ cần biết để sớm cứu con ra khỏi những bi kịch khó lường. Cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết này nhé!
1. Nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm
Dạo gần đây, chúng ta hay xôn xao về các sự việc trẻ trầm cảm nhảy lầu tự tử được báo đài cập nhật nhan nhãn. Thực tế này đã gióng lên hồi chuông cho các bậc phụ huynh thức tỉnh hơn về cách nuôi dạy con và đồng hành thấu hiểu con. Chắc hẳn không ai mong những sự việc đau lòng này xảy ra. Nhưng động cơ từ đâu? Trong khi những đứa trẻ chỉ mới mười mấy tuổi và được lớn lên trong sự che chở, giáo dục của một gia đình đầm ấm, đẩy đủ bố mẹ. Vậy, nguyên nhân khiến trẻ trầm cảm là gì?
Do yếu tố di truyền
Các nhà khoa học Mỹ đã chỉ ra, có khoảng 40% trẻ trầm cảm có liên quan đến yếu tố di truyền. Tức là trẻ có bố mẹ hoặc người thân trong gia đình bị trầm cảm thì khả năng trẻ bị chứng này cao gấp 3 lần so với trẻ khác.
Do yếu tố môi trường sống
Có thể do trẻ không được sống trong môi trường hạnh phúc và luôn bị ám ảnh bởi những điều tiêu cực. Bên cạnh đó, với sự phát triển của mạng xã hội hiện nay, nhiều trẻ nghiện chơi game, các trò chơi độc hại. Đây là môi trường không tốt trong việc hình thành tính cách, hành vi của trẻ, trẻ dễ bị sa đọa vào các trò chơi ảo mà quên mất thực tế.
Do những chấn thương về tâm lý
Có thể một số biến cố xảy ra với bé và gia đình bé như: mất người thân, bé bị lạm dụng tình dục, bé bị bạo lực học đường, trẻ bị bạo hành, bố mẹ ly hôn,…Những điều này khiến trẻ bị sang chấn tâm lý, sống khép mình, luôn lo lắng sợ hãi và ít giao tiếp với thế giới bên ngoài.
Do áp lực học tập
Hiện nay, rất nhiều trẻ đang chịu áp lực học hành từ gia đình, nhà trường, bé không được cân bằng thời gian giữa học tập và nghỉ ngơi, thư giãn. Cộng thêm là những kỳ vọng từ bố mẹ quá lớn làm trẻ dễ bị áp lực, mất tự tin, tự dằn vặt bản thân khi bị điểm kém. Đó là những cảm xúc tiêu cực, nguyên nhân gây trầm cảm ở tuổi thanh thiếu niên.
2. Các biểu hiện trẻ trầm cảm
Bố mẹ có thể nhận biết các biểu hiện trẻ trầm cảm bằng một số hoặc bao gồm các triệu chứng sau đây, tùy mức độ nặng nhẹ của bệnh:
+ Thường xuyên cảm thấy buồn bã hoặc bực bội, khó chịu, đôi khi cảm thấy đầu óc trống rỗng.
+ Giảm hoặc mất hứng thú, sự quan tâm trong công việc và sinh hoạt mà trước đây trẻ vô cùng hào hứng.
+ Trẻ không thích đến những nơi đông người, nhanh chóng chán nản các trò chơi.
+ Ăn nhiều hơn hoặc ít hẳn đi, ăn không ngon miệng.
+ Trẻ bị rối loạn giấc ngủ, khó đi vào giấc ngủ, có thể bị giật mình, thức giấc sớm hoặc cũng có một số trẻ ngủ nhiều.
+ Trẻ luôn trong trạng thái lo lắng quá mức một cách vô cớ, hay hỏi lặp đi lặp lại cùng một vấn đề.
+ Cảm thấy mình vô dụng, hoặc thấy mình là nỗi xấu hổ, bận tâm của những người xung quanh.
+ Giảm khả năng tập trung, chú ý dẫn đến không tiếp thu được bài học, ghi nhớ kém, kết quả học tập giảm sút.
+ Giảm hoặc mất trí nhớ, hay quên, nói trước quên sau, khó khăn trong việc ghi nhớ bài học.
+ Mệt mỏi, uể oải, không muốn tham gia vào bất kì hoạt động nào, thấy khó khăn ngay cả với những việc đơn giản.
+ Có ý nghĩ không muốn sống, có thể thấy cuộc sống vô nghĩa.
+ Rối loạn cơ thể: đau đầu, đau bụng, nhức mỏi, buồn nôn,…thường xuyên.
Trầm cảm ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ.
3. Bố mẹ nên làm gì khi phát hiện con bị trầm cảm?
Phương pháp hữu hiệu để đối phó với chứng trầm cảm ở trẻ nhỏ chính là sự chủ động lắng nghe và đồng cảm từ bố mẹ, người thân. Bố mẹ nên chú ý:
+ Đừng lơ là các dấu hiệu của con, nên ân cần hỏi han, bày tỏ yêu thương với trẻ.
+ Động viên kết nối xã hội, luôn luôn lắng nghe trẻ.
+ Thiết lập những thói quen tốt cho trẻ.
+ Đảm bảo đầy đủ tinh thần, vật chất cho trẻ.
+ Giúp trẻ tránh rơi vào những trạng thái tâm lý tiêu cực.
Sự quan tâm của bố mẹ và người thân, bạn bè, nhà trường sẽ là cầu nối để bé sớm thoát khỏi những bế tắc trong tâm trạng và tự tin hòa nhập, giải tỏa nỗi trầm cảm. Chính vì thế, vai trò của bố mẹ là vô cùng cần thiết lúc này, hãy yêu thương ân cần với trẻ thay vì la mắng, tạo áp lực cho các con. Nếu trầm cảm ở trẻ không được giải quyết, không được xoa dịu thì hệ lụy sẽ kéo dài đến khi trẻ trưởng thành và nó sẽ là rào cản cực lớn cho sự phát triển của trẻ sau này. Hi vọng nội dung bài viết đã giúp quý phụ huynh nắm bắt các biểu hiện trẻ trầm cảm để sớm có giải pháp vực bé dậy khỏi biến cố này.