Tỏi, gừng bày bán chung với rau củ quả (ảnh chụp ở chợ Trần Hữu Trang, P.10, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) – Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH
Không thể tùy tiện
Anh Nguyễn Văn Tin, phụ trách xuất nhập khẩu của một công ty tại quận 3 (TP.HCM), cho biết công ty đang có một lô hàng kỷ tử (trái cây sấy khô) nhập khẩu nằm tại cảng từ tháng 10-2020 đến nay, chưa thể làm thủ tục thông quan do vướng quy định tại thông tư 48. “Khi mặt hàng này do Bộ NN&PTNT quản lý, doanh nghiệp chỉ cần liên hệ với trung tâm kiểm dịch thực vật đến để kiểm tra chất lượng, xuất trình phiếu kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu là được thông quan” – anh Tin cho biết.
Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh – chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), với thông tư này, rất nhiều loại thực phẩm tiêu dùng thông thường phải được làm thủ tục xuất nhập khẩu tương tự các loại dược liệu. Điều này sẽ gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, vì vừa phải tuân thủ các quy định quản lý về xuất nhập khẩu thực phẩm, vừa phải tuân thủ các quy định quản lý dược liệu.
Cụ thể, nếu muốn nhập khẩu, doanh nghiệp phải có giấy phép xuất nhập khẩu dược liệu do Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) cấp, rồi giấy chứng nhận C/O của nước xuất khẩu và phiếu kiểm nghiệm từng lô dược liệu. “Quy định như thế này sẽ cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực phẩm. Chúng tôi đề nghị Bộ Y tế cần rà soát thông tư 48 để không làm khó cho doanh nghiệp” – bà Minh kiến nghị.
Bộ Y tế “đá nhầm sân”
Nhiều chuyên gia cho rằng việc Bộ Y tế gom chung các loại thực phẩm đa chức năng và các dược liệu khác vào một mối để quản lý nhằm tạo thuận tiện cho doanh nghiệp ngành dược nhưng lại làm khó cho các doanh nghiệp ngành nghề khác. “Thậm chí, nếu tuân thủ các quy định này, doanh nghiệp ngành thực phẩm, tiểu thương bán lẻ ngoài chợ sẽ phải ngưng kinh doanh” – một chuyên gia nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng ngoại trừ các loại dược liệu chỉ dùng làm thuốc, Bộ Y tế không thể đưa vào danh mục phải kiểm tra kiểm soát với các loại thực phẩm đa chức năng (có thể chiết xuất làm dược liệu, dùng làm thực phẩm hằng ngày hay làm nguyên liệu chế biến sản phẩm phi thực phẩm…), mà để doanh nghiệp tự khai báo theo mục đích sử dụng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ liên hệ với cơ quan quản lý theo mục đích sử dụng để làm thủ tục xuất nhập khẩu.
Cũng theo ông Dũng, Bộ Y tế giải thích rằng việc cần kiểm soát này nhằm hỗ trợ nông dân, ví dụ như trường hợp gừng trong nước nhiều mà vẫn nhập khẩu, là không thỏa đáng bởi việc tiêu thụ gừng hay các loại nông sản khác không thuộc trách nhiệm của bộ này. Việc của Bộ Y tế là đảm bảo việc sản xuất dược liệu đúng tiêu chuẩn, thuốc đúng chất lượng và các công việc liên quan đến sức khỏe. “Cần phải phân chia danh mục quản lý rõ ràng. Bộ Y tế chỉ giữ lại những loại dược liệu chuyên dùng để làm thuốc, còn các loại thực phẩm đa chức năng khác phải để cho doanh nghiệp tự khai báo” – ông Dũng đề xuất.
Với việc đưa nhiều loại thực phẩm vào danh mục quản lý như dược liệu, Bộ Y tế không những gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mà còn “đá nhầm sân” của Bộ NN&PTNT.
Cần sớm rà soát, sửa đổi thông tư 48
Bà Lý Kim Chi, chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP.HCM, cũng cho biết đã nhận được rất nhiều phản ảnh của doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm do vướng thông tư này. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ Y tế cần khẩn trương rà soát, sửa đổi thông tư 48 theo hướng chỉ đưa vào danh mục dược liệu những sản phẩm chỉ có mục đích sử dụng làm dược liệu. Chỉ cần Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT ngồi lại với nhau, mọi vướng mắc sẽ được nhanh chóng gỡ bỏ…” – bà Chi bức xúc.